Phân loại Vạn_diệp_tập

Phân loại theo thể thơ

Toàn bộ Vạn diệp tập gồm 20 cuốn với 4496 bài thơ viết bằng chữ Nhật kana hay manyogana, hệ thống ghi âm tiếng Nhật bằng chữ Hán, sử dụng 3 thể thơ truyền thống của Nhật:

  • Tanka (短歌 đoản ca), thể loại thơ với 31 âm tiết trong 5 câu trong theo cú pháp 5+7+5+7+7, chiếm số lượng lớn nhất trong Vạn diệp tập với 4173 bài.
  • Choka (長歌 trường ca, còn gọi là nagauta), thể loại thơ không giới hạn về số câu, có khi dài đến 150 câu, trong Vạn diệp tập có 262 bài.
  • Sedoka (旋頭歌 toàn/tuyền đầu ca, tức thể thơ lặp lại phần đầu), mỗi bài có 38 âm tiết chia 6 dòng (5+7+7 và 5+7+7), trong Vạn diệp tập có 61 bài.

Một số tài liệu làm tròn số Vạn diệp tập gồm 4500 bài thơ trong đó có 4200 bài tanka, 260 choka và 60 sedoka.

Trong khi hai thể choka và sedoka đạt được vẻ đẹp tráng lệ trong thời Nara nhưng đã không còn được ưa chuộng về sau, và các nhà nghiên cứu hiện nay khi tìm hiểu những thể loại này thường chỉ còn dựa vào hợp tuyển Vạn diệp tập, thì thể tanka vẫn tiếp tục phát triển và được đánh giá là thể thơ quan trọng nhất của mười hai thế kỷ thơ ca Nhật Bản, xứng đáng với tên gọi về sau là waka (和歌, Hòa ca, thơ Nhật). Mặc dù waka nguyên là tên chung cho các loại thơ khác nhau của người Nhật phân biệt với thơ Trung Quốc, nhưng từ cuối thế kỷ 8 trở đi chữ waka được xem là đồng nghĩa với tanka.

Phân loại theo đề tài

Là một bộ bách khoa thư về văn hóa, con người và đất nước Nhật Bản cổ xưa, Vạn diệp tập bao quát những đề tài hết sức rộng lớn tập trung trong ba mảng chính:

  • Tạp ca (zoka) miêu tả những chuyến ngao du, những bữa tiệc, những truyền thuyết, nói chung là những vấn đề xã hội;
  • Tương văn ca (somonka) chủ yếu nói về tình yêu nam nữ;
  • Vãn ca (banka) là những bi ca về cái chết.

Ngoài kiểu phân loại có lẽ dựa theo cách phân chia thơ ca Trung Hoa như trên, còn có thể xếp các bài trong Vạn diệp tập theo chủ đề: thơ thù tạc, thơ trữ tình, thơ tự sự, thơ thường nhật, thơ nhật ký, thơ viễn du, v.v. Tuy nhiên hầu như không có các bài thơ giáo huấn, thơ thời sự, thơ châm biếm hay phản ánh chiến tranh, những đề tài phổ biến trong thơ ca Trung Hoa đương thời (thơ Đường), mặc dù ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa rất lớn trong đời sống Nhật Bản giai đoạn này, và các nhà thơ Nhật Bản cổ xưa rất am hiểu thơ Trung Hoa. Điều đó chứng tỏ nguồn cảm hứng thơ ca của các thi nhân Nhật Bản cổ đại hoàn toàn từ tiếng nói, tình cảm, tâm hồn và quê hương xứ sở Nhật Bản.

Phân chia theo lịch đại

Cách phân chia này cho phép tách thơ của Vạn diệp tập thành 4 thời kỳ:

  • Thời kỳ đầu kéo dài từ huyền sử đến loạn Jinshin năm 672. Những nhà thơ của thời kỳ này đều thuộc tầng lớp cao nhất trong giới quý tộc cung đình, như các thiên hoàng và hoàng thân quốc thích. Thời kỳ này nổi tiếng với những bài thơ của nhà thơ nữ vĩ đại, công chúa Nukada, như những đóa hoa đầu mùa đẹp nhất của thể loại waka và văn chương nữ lưu.
  • Thời kỳ thứ hai gồm khoảng 40 năm trước khi thành lập kinh đô Nara vào những năm 710, đây là thời kỳ của nhà thơ trữ tình kiệt xuất Kakinomoto no Hitomaro mà chiếc bóng vĩ đại của ông như che phủ Vạn diệp tập với 19 bài choka và 75 bài tanka, và 380 bài thơ mà Vạn diệp tập lấy từ Hitomaro ca tập (Hitomaro kashu) mà người ta không biết rõ bài nào đích thực là sáng tác của Hitomaro.
  • Thời kỳ thứ ba gồm 30 năm đầu của thế kỷ thứ VIII, với các nhà thơ nổi tiếng như Akahito, Tabito, Okura v.v..
  • Thời kỳ thứ tư của Vạn diệp tập gồm 30 năm từ năm 730 đến 760, với hình bóng của Yakamochi trong những năm trước khi ông đạt 42 tuổi vào năm 759. Yakamochi đã trở thành niềm vinh quang chói sáng trong thời đại cuối cùng của Vạn diệp tập.